Khoảng 9h ngày 24/5, khi Tổng thống Barack Obama vẫn đang còn thực hiện các chương trình làm việc tại Hà Nội thì ở Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) công tác an ninh đã được triển khai. Vị trí chiếc Air Force One đỗ được đặc vụ Hoa Kỳ chọn là bãi số 13. Phía sau bãi số 13 là bãi số 11 để cho chiếc máy bay dự phòng 757 đỗ.
Bình thường tàu bay đỗ thì đầu hướng về nhà ga để thuận tiện cho khách khi xuống và đi vào nhà ga. Nhưng đặc vụ Hoa Kỳ đã làm việc và yêu cầu cho chiếc Air Force One được bố trí đỗ theo hướng song song với nhà ga, đầu hướng về phía Bắc. Cách đỗ này nhằm mục đích đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Tổng thống. Vì lúc này cửa xuống của Tổng thống Barack Obama hướng về phía Tây là khu sân đỗ hoàn toàn trống trải, hành khách từ nhà ga quốc nội tức là phía Đông không thể thấy được ông Obama.
Việc đỗ tàu bay như vậy cũng nhằm mục đích để ngày 25/5 khi Tổng thống rời khỏi Việt Nam, phi công sẽ tự nổ máy và chạy thẳng ra đường băng mà không cần xe đẩy như các tàu bay khác, hạn chế tối đa các phương tiện tiếp cận chiếc Air Force One.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) là người được giao nhiệm vụ chỉ đạo công tác phục vụ mặt đất như chuẩn bị xe thang, xe vệ sinh, xe cấp điện… để đón chuyên cơ Tổng thống Barack Obama. Đã từng đón nhiều chuyên cơ của các nguyên thủ quốc gia khác nhau, nhưng theo ông Mỹ, khi đón chuyên cơ của Tổng thống Hoa Kỳ, công tác an ninh được đặt yêu cầu nghiêm ngặt hơn nhiều.
“Chẳng hạn mặc dù được giao thực hiện công tác phục vụ mặt đất nhưng ngay cả việc đặt thiết bị chặn bánh tàu bay, hướng dẫn tàu bay từ đường lăn ra vào vị trí sân đỗ, các đặc vụ Hoa Kỳ đều tự thực hiện. Xe cấp nước, xe vệ sinh đến sát giờ bay mới được đưa vào. Nhân viên phục vụ phải được đặc vụ Hoa Kỳ kiểm tra thân thể, sau đó là dùng chó nghiệp vụ kiểm tra chất nổ rồi mới được tiếp cận chiếc Air Force One để làm nhiệm vụ”, ông Mỹ kể.
Túc trực 24/24h
Có khoảng 20 đặc vụ Mỹ, cao to, vận vest đen, kính râm và bộ đàm… được bố trí quanh chiếc Air Force One liên tục phóng tầm nhìn về phía xa để quan sát.
Khoảng 1 tiếng đồng hồ trước khi máy bay của Tổng thống hạ cánh, lực lượng bắn tỉa đã được triển khai với 4 đội chia làm hai tổ đứng phía hai đầu khu vực sân đỗ, cách chiếc chuyên cơ của Tổng thống khoảng 200m liên tục hướng ống nhòm về các tòa nhà cao tầng quanh sân bay. Hai khẩu súng được đặt trên giá đỡ đã lên đạn. Rất nhiều lần các đặc vụ này hướng ống nhòm về phía tòa nhà CT Plaza ở đường Trường Sơn vì thấy có nhiều người nhấp nhô (khu vực này cánh báo chí ngồi rất đông và chĩa ống kính về phía sân bay). Bất cứ chiếc xe chở đoàn khách nào từ bên ngoài vào khu vực sân đỗ cũng được chó nghiệp vụ kiểm tra bom mìn.
Khoảng 16h chiếc Air Force One đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất và về bãi đỗ. Xe thang được đưa đến tàu bay, một đặc vụ khác từ trong tàu bay bước ra trước kiểm tra xe thang xem có an toàn cho Tổng thống bước xuống hay không. Việc kiểm tra kéo dài khá lâu, nên cánh báo chí có phần lơ là. Khi đặc vụ này lui vào tàu bay thì Tổng thống Barack Obama lập tức bước ra đưa tay chào và bước xuống xe thang rất nhanh (có lẽ vì thế mà rất ít phóng viên chụp được ảnh Tống thống Barack Obama đưa tay chào từ trên tàu bay).
Bên cạnh đặc vụ Hoa Kỳ, lực lượng an ninh của Việt Nam cũng được triển khai để đảm bảo an ninh vòng ngoài. Một lãnh đạo của Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, tất cả các vị trí tầm cao như tòa nhà của Cảng, Đài kiểm soát không lưu, các lối ra vào khu vực nhà VIP A đều được bố trí lực lượng an ninh kiểm tra chặt chẽ trước giờ máy bay của Tổng thống Mỹ tới. Từ sân bay ra đến đường Trường Sơn cứ 5m có một chiến sĩ đặc nhiệm, Công an đứng làm nhiệm vụ.
Trưa 24/5, giữa tiết trời nắng chang chang, trên đỉnh tòa nhà của Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, các chiến sĩ an ninh được bố trí làm nhiệm vụ giám sát. Trời đang nắng thì lại đổ mưa rồi lại nắng khiến công việc của các anh vất vả gấp bội. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam, chuyến bay của Tổng thống Barack Obama hạ cánh đúng giờ nên anh em cũng bớt vất vả. “Còn nhớ lần đón chuyên cơ Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000, lực lượng an ninh phải đứng từ 8h sáng đến 1h đêm để trực vì không biết chính xác máy bay hạ cánh lúc nào”, ông Tuấn kể.
Trong buổi tối 24/5, đặc vụ Hoa Kỳ thay nhau trực chiếc Air Force One suốt 24/24h. Động cơ phụ của chiếc Air Force One hoạt động liên tục suốt đêm để duy trì các hoạt động bên trong tàu bay. Các đơn vị phục vụ mặt đất cũng phải túc trực theo để cung cấp điện, khí lạnh cho tàu bay.
Một chi tiết khá thú vị khác là lúc đầu đặc vụ Hoa Kỳ yêu cầu làm một khán đài nhỏ cho báo chí tác nghiệp. Nhưng do nằm ngoài sân đỗ nên ngành Hàng không không đồng ý vì vấn đề an toàn bay. Phải đến 19h tối 23/5, đặc vụ Hoa Kỳ mới yêu cầu đơn vị phục vụ mặt đất sắp xếp bố trí một khán đài di động. Thế là những nhân viên của Công ty SAGS phải thức suốt đêm để làm trên cơ sở ráp hai chiếc xe nâng vào với nhau và dựng các khung thép vào.
Cánh báo chí sau khi được đưa từ nhà VIP A ra khán đài tác nghiệp chỉ được đứng quanh trên đó chứ không được di chuyển đi đâu khác. Một đặc vụ Hoa Kỳ luôn túc trực phía sau để giám sát PV báo chí tác nghiệp, ai rời khỏi khán đài đều bị nhắc nhở. Phải đợi đến lúc chuyên cơ của Tổng thống Barack Obama cất cánh an toàn thì PV mới được rời vị trí.
Háo hức với Hình ảnh Video Obama đến Việt Nam - Đọc Tin Việt Nam mới nhất miễn phí Online. Cập nhật tin tức thế giới hôm nay. Tin tức 24h trong ngày Nóng Nhất cập nhật liên tục .