HƠN 98% CỬ TRI ĐÃ BỎ PHIẾU

Tỷ lệ cử tri đi bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đạt 98,77%, 2 tỉnh đạt gần như tuyệt đối (99,99%) là Thừa Thiên - Huế và Yên Bái. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến hết 22h ngày 22/5 tỷ lệ cử tri cả nước đi bầu đạt tỷ lệ 98,77%. 2 tỉnh đạt cao nhất là Thừa Thiên - Huế và Yên Bái là 99,99%; Hòa Bình 99,98%; Quảng Nam và Bến Tre 99,97%... Hầu hết các tổ bầu cử đã tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu đúng theo quy định. Thống kê lúc 17h ngày 22/5, tức là hai giờ trước khi đóng hòm phiếu, tổng hợp từ 63 tỉnh thành cho thấy 63,3 trong tổng số hơn 69 triệu cử tri đã đi bầu cử. Trong đó hơn 32.100 tổ bầu cử có 100% cử tri đi bầu. Các tổ bầu cử đang tổ chức kiểm phiếu ngay tại phòng bỏ phiếu. Theo quy định, trước khi mở hòm phiếu, tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong số phiếu bầu không sử dụng đến và mời hai cử tri không phải người ứng cử chứng kiến. Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến, khiếu nại về việc kiểm phiếu.
Cử tri Hà Nội đi bỏ phiếu sáng 22/5. Ảnh: Giang Huy. Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết đến 19h, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên toàn thành phố đạt 98,47%; có 1.936 khu vực số cử tri đi bầu đạt 100%; không có khu vực bỏ phiếu nào cử tri đi bầu dưới 50%, không có điểm bầu cử nào phạm luật. Hiện còn 7 khu vực xin được kéo dài thêm thời gian bỏ phiếu (ở huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Đông Anh...) do cử tri đi làm xa, về muộn. “Các đơn vị xin kéo dài thời gian bỏ phiếu cũng phải kết thúc trước 21h theo luật định”, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nói. Theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7h đến 19h. Tùy tình hình địa phương, tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h sáng, hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21h cùng ngày.
Sau khi hoàn tất việc bỏ phiếu, người dân phải đưa thẻ cử tri tới bàn đóng dấu xác nhận đã bỏ phiếu. Ảnh: Ngọc Thành. Trước đó, dự lễ khai mạc điểm bỏ phiếu số 3, phường Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn cử tri và nhân dân cả nước đã hưởng ứng cuộc bầu cử lần này. "Đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất với 69 triệu cử tri. Chắc mọi đại biểu, cử tri cũng như tôi tham gia bầu cử, ứng cử sẽ hết lòng vì nước, vì dân, thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ mà Hiến pháp đã quy định", ông nói. Cùng với việc thực hiện đúng chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Tổng bí thư nhấn mạnh các đại biểu Quốc hội còn phải thực hiện thật tốt công tác đối ngoại, có quan hệ thật tốt với các nghị viện trên thế giới. Đi bỏ phiếu tại điểm bầu cử phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội), Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, chia sẻ: "Lâu nay khi theo dõi các kỳ họp Quốc hội, HĐND, chúng ta đều mong muốn các cơ quan lập pháp này hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng hơn, các đại biểu gần gũi với cuộc sống và phản ánh những tâm tư, suy nghĩ của người dân. Vậy ai sẽ quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp? Chính là chúng ta - mỗi cử tri". Theo Bí thư Hải, khi cầm lá phiếu, nếu mỗi người đều thực sự trách nhiệm, dành thời gian nghiên cứu kỹ tiểu sử, quá trình công tác, tham khảo về chương trình hành động của ứng cử viên thì chắc chắn sẽ bầu đúng những người xứng đáng đại diện cho mình vào các cơ quan dân cử. Ngày 11/6, Hội đồng bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu đại biểu Quốc hội. Ủy ban bầu cử các địa phương công bố kết quả bầu đại biểu HĐND các cấp vào ngày 1/6. Theo Hội đồng bầu cử quốc gia, cả nước có hơn 69 triệu cử tri bỏ phiếu để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội, 3.900 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 25.000 đại biểu HĐND cấp huyện; 295.000 đại biểu HĐND cấp xã.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »